Mình mệt mỏi, đầu mình cứ lâng lâng khoảng 2,3 tuần nay rồi, mặc dù mình ngủ rõ nhiều chứ chả phải ngủ ít.
Mình mệt mỏi, việc đi làm mới bắt đầu khoảng tầm 1 tháng mà đã lắm chuyện quá. Tự nhủ hãy bớt chuyện đi, tập trung hơn, biết lỗi để sửa lỗi, và im ỉm trước lời nói của người khác. Và tự nhủ phải cố dậy sớm hơn nữa.
Vấn đề là thế này. Mình mệt, mình chán, ngán ôn thi, ngán bài tập nhóm, ngán đống deadline, ngán chả buồn giải thích cứ để người ở công ty hiểu lầm là mình rảnh,... nhưng mình không giấu nhẹm nó đi mà giơ cái bản mặt tươi cười ra.
Chí ít là ở nhà. Mình ít chuyện, nhưng với mẹ mình thì khác. Với mẹ, mình không giấu một điều gì, mình nói xấu, than vãn, biết rằng sẽ có mẹ hiểu, cho lời khuyên và ủng hộ mình.
Mình không nói nhiều cho người khác, nhưng mình không giấu được thái độ, không giấu được nét mặt của mình. Chả nói gì, nhưng cái bản mặt cứ lồ lộ "Tao đang mệt đây" thì đứa nào mà chả hiểu được mình đang cảm thấy thế nào :v
Một phần là mình không có biệt tài giấu cảm xúc như nhiều bạn đã tôi luyện thành master rồi, một mặt là mình không muốn giấu. Trừ khi làm việc nhóm, mình luôn cố gắng để sôi nổi và vui vẻ nhất có thể, bởi làm việc phải có không khí, tinh thần chút thì mới có hứng để cùng vượt qua đống việc trước mắt chứ nhỉ. Ngoại trừ vậy ra, thì mình không có muốn giấu làm gì cho nó mệt. Mình không nói ra chuyện mình đang gặp thôi, chứ cứ gắng gượng cười, gắng gượng vui vẻ, gắng gượng mạnh mẽ,... thì có để làm gì đâu.
À tất nhiên, mình luôn tự nhủ chính mình, công việc và những thứ tình cảm khác là tách rời nhau. Bạn đi gặp khách hàng mà cứ chưng cái bộ mặt ủ rũ ra, thì có khách hàng nào lại không thấy rụt rè, hay có ấn tượng xấu khi tiếp xúc với mình nhỉ. Thế thì còn gì là bán hàng, hay kinh doanh, hay ngoại giao, hay vân vân nữa.
Được cái bản tính thất thường, nghe cảm giác đó là một tính xấu, nhưng tốt một điểm là dễ quên. Giận rồi lại quên, tức rồi lại quyên, người ta nói gì đó với mình rồi lại quên. Chỉ khổ nỗi, thỉnh thoảng mình trong tâm trạng, tuôn ra một tràng, ăn nói thì bộp chộp, mình quên nhưng người khác thì còn nhớ và phân tích từng từ một. ahihi.
Mình nghĩ, con người thực chất là một sinh vật ích kỷ, bản chất con người là lương thiện, nhưng bản chất thì đâu chỉ có mỗi cái tốt không, có cả điểm xấu như vậy ấy chứ. Ngày xưa mình cũng nghĩ nhiều, chuyện mình là của mình, người khác có chuyện người khác, chuyện họ cũng đau buồn thậm chí hơn cả chuyện mình, vậy thì chẳng ai sẽ dành thời gian để lắng nghe mình đâu, và mình cũng không muốn làm ai phải bận tâm về những câu chuyện của mình cả. Thế là mình cứ cô độc trong cái thế giới của mình, đeo mấy cái mặt nạ, viết nhiều trang nhật ký, và mình luôn luôn cảm thấy tù đày, suy sụp, và vạn lần mệt mỏi, chán nản.
Khi bạn che giấu cảm xúc, điều đó không khiến bạn trở thành một người có khả năng kiểm soát cảm xúc tài ba (dù trong một phạm trù nào đấy thì điều đó là đúng). Khả năng kiểm soát cảm xúc, theo mình, là không để bị bản thân cuốn đi bởi những cảm xúc tiêu cực của bản thân, nhận định được nguyên do tại sao, tại sao bạn lại vui như thế, giận như thế, thất vọng như thế, buồn như thế,..., và nhận ra, cảm xúc ấy là không đáng, không đáng chút nào. Có một thời gian dài mình đã ngộ nhận giữa việc che giấu và kiểm soát cảm xúc. Kiểm soát cảm xúc giúp bạn thành công, giúp bạn cảm thấy không có một gánh nặng nào, còn che giấu chỉ làm bạn thêm mệt mỏi, căng thẳng, và tù túng.
Dần dà, khi mình không thể làm hài lòng tất cả mọi người, và có nhiều chuyện lằng nhằng, đến phát rồ và khiến mình tự hỏi sao con người không dễ tính đi một chút, đơn giản đi một chút, mình chấp nhận. Cho dù bạn có cố gắng nghĩ cho người khác, cố gắng tỏ ra vui tươi, mạnh mẽ, tỏ ra là mình không có chuyện gì cho người khác, cố gắng làm mọi việc thật tốt cho người khác, họ sẽ không nhận ra đâu, hoặc giả dụ có nhận ra, thì là do bạn vẫn đang làm công việc có lợi cho họ.
Gì nhỉ, con người ích kỷ mà.
Mình cũng ích kỷ, bởi mình có những suy nghĩ về người khác, mà theo mình, không tránh được. Bạn cũng ích kỷ, bởi bạn không chia sẻ thẳn thắn và mong tôi hiểu cho bạn, bạn loanh quanh những câu chuyện khác trong suốt thời gian mà không phải về bạn, và khi chuyện xảy ra, nói với tôi cứ như là tôi phải thấu hiểu, đồng cảm cho tâm trạng của bạn, trong khi tôi không biết bạn đang cảm thấy thế nào, và nực cười là bạn không muốn cho tôi biết?
Nếu có một người mà mình cảm thấy sẽ dẹp bỏ lòng ích kỷ của mình, hy sinh hết mình và quan tâm tới cảm xúc của họ, đó là gia đình của mình, là bố mẹ, em mình, mai sau là chồng và con của mình. Chỉ có vậy thôi.
Nhưng thế không phải chúng ta là người dưng với nhau, không phải chúng ta không thể đồng cảm, chia sẻ với nhau, không thể chấp nhận nhau, hay tha thứ lỗi lầm cho nhau, không thể làm bạn của nhau.
Chỉ là, có những giới hạn về suy nghĩ và cảm xúc của nhau. Không chia sẻ, không nói chuyện mong người khác hiểu, thì hãy chấp nhận rằng họ sẽ không hiểu, họ sẽ có suy nghĩ này, suy nghĩ kia. Kể cả bạn của mình mình cũng không mong ai hiểu cho điều mình trải qua, hay phải thông cảm và đồng cảm với chuyện của mình, hay phải thương cảm cho mình, mình không nói thẳng ra nhưng sự thương cảm làm mình hơi ngứa. Huống chi là một người không chia sẻ gì về họ, mà xin lỗi, mình không phải con người dễ đồng cảm, tinh tế đến mức đấy đâu.
Và hãy nhớ cho, khi bạn nghĩ cho tất cả mọi người, bạn sẽ mong muốn người khác nghĩ cho bạn, nhưng sự thật là họ sẽ không quan tâm đâu, chỉ có bạn là người bị thiệt thôi. Thông cảm là tốt, nhưng hãy đặt ra giới hạn cho nó, trong công việc giảm thiểu sự thông cảm, tình cảm cá nhân chẳng hạn, và ngoài công việc tôi vẫn là người bạn của bạn, tôi vẫn nghe bạn, nhưng xin hãy rạch ròi hai vấn đề với nhau.
Người đáng để chúng ta trân trọng và dành toàn bộ suy nghĩ cho, là gia đình bạn, là những người có nổi giận bạn đùng đùng cũng vẫn sẽ thương bạn, hiểu bạn, chấp nhận bạn, và ở bên bạn.
Lên đại học, mình ít bạn hẳn. Mình ít đi chơi, đi ăn, ít chuyện (và phải nhắc bản thân hãy ít ít chuyện hơn nữa), mình không đi lượn lờ nhiều với bạn, ít dành thời gian tâm sự, gắn kết chóng vánh với một người bạn, mặc dù mối quan hệ thì mình vẫn có. Mình chỉ quanh quẩn, đi làm rồi học rồi về nhà, nơi mình trút bầu tâm sự là nhà, nơi mình chả giấu gì là nhà. Thay vì đi chơi với bạn, mình đưa em mình đi chơi, thay vì tán gẫu với bạn, mình tán gẫu với mẹ mình, chấp nhận rằng suy nghĩ vài người về mình đã khác, có khi là hiểu lầm, bởi chuyện nó lan nhanh và được tái bản từ lần này sang lần khác mà, nhưng mình kệ.
Nhớ lại bản thân, ngày xưa gặp chuyện như vậy đã từng trách vấn lương tâm, tự hỏi mình làm sai ở đâu, cuống cuồng giải thích cho người ta. Bây giờ vẫn có suy nghĩ như vậy, nhưng nếu trước kia mình nghĩ làm thế nào để người khác không hiểu lầm, thì bây giờ lại nghĩ, chấp nhận sự hiểu lầm, bởi mình tôn trọng ý kiến của mình, và điều mình nghĩ chả có gì là sai cả, mình chưa đánh nhau, chưa nói xấu trắng trợn, mình chỉ nêu ra quan điểm và quan điểm ấy bị tam sao thất bản, mình biết, gia đình mình biết, vậy là ổn.
Khi một mối quan hệ tình bạn lấp lửng mất hẳn đi, bạn có thể mất luôn mối quan hệ với bạn của bạn đó. Nhưng hãy tập trung vào bản thân mình nhiều hơn một tí. Sẽ không sao đâu nếu chuyện như vậy xảy ra, bạn không chết, bạn không mất thành viên thân thiết nào với bạn. Và sự thật là, khi trong câu chuyện này, hai người không hiểu quan điểm và không tha thứ được cho nhau, mặc dù bạn đã là người xin lỗi trước (xin lỗi không phải vì bạn sai) và người khác không thể tha thứ nổi cho bạn, thì chứng tỏ hai bạn không hợp với nhau. Vậy nếu tình bạn này đi xa hơn, sẽ có cãi vã, bất đồng nhiều hơn, và nếu không ai xin lỗi trước,hoặc giả dụ tôi xin lỗi trước, bạn vẫn cứ nhìn tôi bằng khuôn mặt như thể bạn bị tổn thương sâu sắc và không nói chuyện với tôi sao? Và nếu cứ như thế, bình lặng, không cãi vã, người này làm thỏa mãn người kia trước mặt, bỏ qua mâu thuẫn mà không giải quyết mâu thuẫn đó bằng cách chia sẻ, tha thứ cho nhau, thì bạn sẽ thành công trong mối quan hệ nào đây?
Chân thành là cái gì? Thể hiện qua cái gì? Ừ cứ coi như mình không hiểu đi, mình ngu si, thiếu tinh tế và thiếu nhạy cảm đi. Cứ coi như mình không chân thành đủ với bạn đi. Nhưng hãy chấp nhận, mình không phải là bạn thân của bạn, và bạn không phải là người thân của mình. Tùy bạn nghĩ không có nghĩa là mình không quan tâm suy nghĩ của bạn, mà là mình tôn trọng ý nghĩ của bạn, bởi quan điểm gốc của mình không phải là quan điểm vô cảm với tâm trạng, hoàn cảnh của bạn, mình biết vậy là đủ. Bạn tổn thương vì suy nghĩ của mình? Hãy tự hỏi, bạn nghe suy nghĩ của mình từ ai, từ góc nhìn của ai, và bạn phủ lên suy nghĩ bạn đã nghe được từ ai đó lăng kính của bạn. Bạn tổn thương, lý do là ở chính bạn. Mình cũng buồn khi bạn nói vậy, nhưng mình biết và mình tôn trọng suy nghĩ của mình, cũng như việc mình tôn trọng suy nghĩ của bạn.
Mình nực cười ư. Với một tâm hồn tinh tế với con chữ của bạn thì chắc là mình như vậy. Và mình chấp nhận nếu bạn suy nghĩ về mình như vậy, và bạn kể cho người khác nghe mình đã nực cười và thiếu chân thành thế nào, mình chấp nhận. Chấp nhận cả việc bạn bây giờ chả coi mình như trước đó, dù mình vẫn coi bạn như vậy. Chấp nhận, không giải thích, vì đó là suy nghĩ, là chuyện của bạn, còn mình có chuyện của mình.
Nói túm quần lại:
1. Công việc tách riêng với cảm xúc, tình thân.
2. Ít chuyện hơn.
3. Dành chú ý cho bản thân và người thân thiết. Còn đâu mặc kệ.
0 nhận xét